Ngày nay, văn hóa đồng phục đã trở thành một thứ "mốt" không chỉ trong các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước mà còn trong rất nhiều các doanh nghiệp. Nó thể hiện nét đặc trưng cho môi trường làm việc, tính chất công việc hoặc thương hiệu ... của đơn vị hay doanh nghiệp đó. Cũng như logo, đồng phục công sở thuộc về lớp văn hóa "tầng bề mặt" của cơ quan, doanh nghiệp. Tuy nhiên nó lại có một tầm quan trọng nhất định trong việc góp phần tạo nên đẳng cấp và thương hiệu doanh nghiệp.
Không tách rời khỏi văn hóa "ăn, ở". Văn hóa "mặc" sớm đã hình thành cùng với sự ra đời và phát triển của xã hội loài người, tuy nhiên ở mỗi một phạm vi địa lí khác nhau hay trong từng thời kì khác nhau của lịch sử, văn hóa "mặc" lại mang những nét đặc trưng khác biệt thể hiện phong tục tập quán hay những nét sinh hoạt mang bản sắc riêng độc đáo của từng khu vực, từng thời kì.
Nói đến văn hóa "mặc", giờ đây người ta không chỉ nghĩ đến nhu cầu về làm đẹp mà nó còn thể hiện những nhu cầu khác có tính cụ thể và thực tế hơn, đặc biệt là trong môi trường kinh doanh. Điều đó trả lời cho câu hỏi "đẹp" để làm gì và "đẹp" mạng lại điều gì. Văn hóa đồng phục là một cách thể hiện điều đó.
Trong thời đại văn minh công nghiệp hiện nay, văn hóa đồng phục, có thể coi là một trong những nét đẹp thể hiện bản sắc và đặc trưng của thời đại mới, thời đại của nền kinh tế thị trường sôi động, của văn hóa doanh nghiệp thời hội nhập với những nhu cầu mạnh mẽ và bức thiết trong việc thể hiện cá tính và thương hiệu của mình. Chính vì lí do đó mà sự chú trọng nhiều hơn đến hình thức của các doanh nghiệp là hết sức dễ hiểu. Trang phục phản ánh lịch sử xã hội nhiều khi còn chính xác hơn các phương tiện khác. Do đó sự góp mặt của đồng phục chính là một "cánh cửa mở" của con đường văn hóa, của một xã hội văn minh và hiện đại.
Đồng phục trong mỗi doanh nghiệp không đơn thuần chỉ là "sự lặp lại giống nhau", ngược lại, ẩn chứa bên trong sự "giống nhau" ấy còn rất nhiều ý nghĩa sâu sắc. Nó là sự thể hiện của tinh thần hòa đồng, đoàn kết và tính chuyên nghiệp, đóng vai trò tạo nên sức mạnh tập thể lớn lao. Chỉ cần nhìn vào bộ đồng phục của một công ty, một đơn vị nào đó người ta có thể "nhận diện" ra được bạn là ai, tính chất công việc của bạn ra sao, môi trường làm việc như thế nào, hoặc doanh nghiệp của bạn làm ăn phát đạt hay thua lỗ...
Không chỉ như vậy, đồng phục đẹp còn cho thấy trình độ văn hóa cũng như thẩm mĩ của cán bộ nhân viên một doanh nghiệp, nó là "diện mạo" tạo nên ấn tượng tốt cho hình ảnh doanh nghiệp đó, đồng thời đóng góp một phần không nhỏ vào thành công của họ. Thiết kế và trang bị đồng phục cho nhân viên là một cuộc đầu tư có lãi đối với doanh nghiệp, bởi họ chính là những công cụ quảng bá thương hiệu hữu hiệu nhất và có sức thuyết phục nhất. Khoác trên mình bộ đồng phục mang "thương hiệu" của công ty, nhân viên đi tác nghiệp khắp nơi và bất kể đến môi trường nào anh ta cũng được "nhận diện", và nhờ đó mà doanh nghiệp ấy sẽ có thêm nhiều đối tác, khách hàng mới.
Một doanh nghiệp cùng với việc đi xây dựng những giá trị văn hóa "tầng gốc, tầng sâu..." như triết lí kinh doanh, niềm tin, chuẩn mực đạo đức, hành vi ... thì việc chú trọng vào các giá trị thuộc "tầng bề mặt" cũng vô cùng cần thiết và quan trọng, bởi vì nó là yếu tố "tiệm nhãn" giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc quảng bá và khẳng định bản sắc, truyền thống cũng như thương hiệu của mình
Tuy nhiên, xây dựng văn hóa đồng phục trong doanh nghiệp sao cho "đặc trưng" "phân biệt" nhưng phù hợp với "cái chung" của văn hóa cộng đồng, không hề là một việc đơn giản. Nhiều doanh nghiệp trong sự cố gắng tạo ra hình ảnh riêng, độc đáo lại vô tình biến mình thành "những biểu tượng lập dị", điều đó hoàn toàn gây nên tác dụng phụ, nhiều khi làm xấu đi hình ảnh thương hiệu. Hoặc nhiều công ty lại thể hiện sự "khác người" bằng cách thường xuyên thay đổi đồng phục hoặc đính vào đồng phục những biểu tượng logo không phù hợp với tiêu chí và tính chất sản xuất hoặc kinh doanh của mình, do đó tạo sự mất ổn định về phong cách, làm giảm uy tín và độ tin cậy của khách hàng đối với thương hiệu.
Từ đó cho thấy, muốn thành công trong việc tạo dựng "tầng văn hóa bề mặt", mỗi doanh nghiệp cần phải tự xác định cho mình hệ thống quan điểm và tiêu chí đúng đắn về mục tiêu cũng như thẩm mĩ trong chiến lược hành động. Phải tạo ra được những giá trị riêng, khác biệt về văn hóa của đơn vị, nhưng đồng thời lại không được tách rời khỏi xu hướng chung của toàn bộ nền văn hóa của cộng đồng doanh nghiệp cũng như nền văn hóa truyền thống của dân tộc.
Đồng phục cho nhân viên, đó chính là sự lựa chọn sáng suốt của doanh nghiệp trong mục tiêu tạo ấn tượng tốt nhất về tính chuyên nghiệp, về đẳng cấp cũng như văn hóa thương hiệu. Nó có ý nghĩa hết sức thiết thực trong việc tạo điều kiện và thúc đẩy công việc làm ăn được thuận lợi. Đó chính là mục tiêu và hướng vươn đến của các doanh nghiệp nói chung và qua bài viết này trong thời gian không xa.